Categories Learning Methodology

Connecting the dots – những dấu chấm không đơn độc

Sau bài viết về phong cách học tập (Learner types – Bạn là ai?), Lemon’s Tribe sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn một phương pháp mà chúng mình rất tâm đắc, áp dụng không chỉ trong việc học, mà cả cho sự phát triển của bản thân. Không dông dài thêm nữa, hãy cùng tìm hiểu về “connecting the dots” – kết nối những dấu chấm.

(Mình xin phép sử dụng cụm từ "connect the dots" hoặc "connecting the dots" trong bài viết này như một cái tên riêng.)

Connecting the dots là gì?

Theo từ điển Cambrigde hay một số từ điển khác có giải nghĩa, thành ngữ “connect the dots” dành để chỉ việc ghép nối các mẩu thông tin hoặc dữ kiện với nhau để hiểu được mối liên hệ giữa chúng, và tạo thành một bức tranh kiến thức tổng thể1. Thành ngữ này khởi nguồn từ trò chơi “Nine Dots Puzzle”, xuất hiện vào thế kỷ thứ 19. Theo trò chơi này, người chơi cần kết nối 9 điểm được chấm trên một tờ giấy bằng cách dùng bút vẽ bốn đường (hoặc ít hơn) mà không nhấc bút lên. Đến năm 1909, tờ báo The Birmingham age-herald đã cho phát hành ấn bản đầu tiên của trò chơi kết nối các dấu chấm để tạo thành hình ảnh của một cậu bé. Các dấu chấm không được đánh số thứ tự, mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào tư duy của người chơi để tạo nên lời giải phù hợp. Đây cũng được coi là phiên bản tiếp theo của thuật ngữ “connect the dots”. Năm 1915, Newark Evening Star đã cho thêm các con số bên cạnh các dấu chấm cho trò chơi “connect the dots” trong các tờ báo của mình. Kể từ đó, trò chơi này cũng thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo xuất bản vào mỗi Chủ nhật. Và đến năm 1926 thì cuốn sách đầu tiên dành riêng cho trò chơi “connect the dots”, có tựa đề “Follow the dots”, đã được ra mắt tại Mỹ. 2

Tuy đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, nhưng thuật ngữ “connect the dots” trở nên phổ biến hơn từ bài phát biểu của Steve Jobs tại buổi lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford vào năm 2005 (các bạn có thể xem link video tại đây3). Trong bài phát biểu này, Jobs đã chia sẻ về những sự kiện, những giai đoạn thăng trầm mà ông đã trải qua trước khi có được thành công của Apple. Mỗi sự kiện đó đều tích luỹ cho ông những kinh nghiệm khác nhau, và chúng cũng được coi là như những dấu chấm phá trong bức tranh cuộc đời của Jobs. Trong câu nói có sức ảnh hưởng của mình, ông nhấn mạnh: “Bạn không thể kết nối các dấu chấm bằng cách nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng bằng cách nhìn ngược lại phía sau. Vì vậy, bạn phải tin rằng các dấu chấm bằng cách nào đó sẽ được kết nối trong tương lai.”. Jobs đã chỉ ra rằng, thành công mà ông có được chính bằng sự kết nối những dấu chấm mà ông đã đi qua. Những kiến thức mà ông đã học được từ việc nghỉ học đại học, thất nghiệp, trầm cảm, hay từ việc học thư pháp hiện đại (Calligraphy), thành lập công ty đầu tiên và bị chính công ty đó sa thải, vân vân; tất cả đã được ông xâu chuỗi và tạo nên “kiến thức, kinh nghiệm, và trải nghiệm” của chính mình.

“You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So, you have to trust that the dots will somehow connect in your future.”

Steve Jobs

Kết nối các dấu chấm có tác dụng gì?

Không chỉ Steve Jobs mà còn nhiều người nổi tiếng khác cũng sử dụng phương pháp “connect the dots” trong việc phát triển sự nghiệp và con người của họ. Có thể kể đến Elon Musk – doanh nhân, nhà thiết kế, nhà đồng sáng lập, CEO của nhiều công ty lớn trên thế giới như SpaceX, Tesla, Paypal, Twitter (hiện tại được gọi là “X”)4; hay vua David của Israel (King David of Israel) – một trong những vị vua vĩ đại nhất của Israel5. Vậy việc sử dụng phương pháp “connect the dots” có tác dụng gì?

1. Tạo thói quen tư duy hệ thống

Nếu khi bạn đi học, các thầy cô hoặc sách giáo khoa sẽ cũng cấp đầy đủ thông tin cho bạn về một vấn đề hay một sự việc nào đó. Tuy nhiên, khi bước ra thực tế đời sống, khi bạn thực chiến trong chốn công sở, thường thì các mẩu thông tin sẽ nằm rải rác ở nhiều nơi, thậm chí không được xâu chuỗi trước và “dọn sẵn” cho bạn. Hoặc là bạn phải tự mình đi thu thập các mảnh ghép, hoặc là sẽ có người cung cấp cho bạn một mớ thông tin hỗn độn, và bạn phải tốn thêm một bước là xác thực độ chính xác của chúng, hoàn cảnh nào thì sử dụng chúng, vân vân và vê vê. Nếu chỉ với một hoặc hai mẩu thông tin, hay dữ liệu đơn lẻ mà đã vội đưa ra kết luận, rất có thể là bạn sẽ hiểu sai vấn đề và đưa ra giải pháp không phù hợp. Vậy khi được giao một dự án mới, điều bạn cần làm là (ở đây, Lemon’s Tribe sẽ chỉ đưa ra một vài bước cơ bản; cách thức làm chính xác sẽ còn tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể):

  • Xác định mục đích dự án và mục tiêu cần đạt được
  • Thu thập, xác thực dữ liệu
  • Hệ thống hoá các dữ liệu, tìm hiểu về mối liên hệ giữa các dữ liệu để có cái nhìn bao quát về vấn đề
  • Đưa ra các giả thuyết và hướng xử lý tương ứng

Các bước mà Lemon’s Tribe mô tả ở trên cũng tương tự như việc bạn chơi trò “connect the dots”. Bạn sẽ không chỉ đi sâu vào chi tiết của từng mảnh thông tin, mà còn phải hiểu rõ kết nối giữa chúng, và từ đó nhìn thấy được toàn cảnh bức tranh. Khi bạn luyện tập các bước này, dần dần bạn sẽ tạo thành thói quen tư duy sử dụng dữ liệu (tạm dịch cho cụm từ “data-driven mindset”), và đặc biệt là tư duy hệ thống.

2. Muốn trí nhớ tốt cũng cần chút mẹo

Mình còn nhớ hồi học môn Sinh học ở cấp 2, cũng đã từng được học về phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện. Theo Pavlo, sự hình thành phản xạ có điều kiện thực tế là sự hình thành đường liên hệ tạm thời nối các vùng của vỏ não với nhau (ở đây nói nôm na là điểm kích thích không điều kiện và điểm kích thích có điều kiện). Điểm kích thích không điều kiện sẽ được tác động trước (ví dụ như đưa thức ăn trước mặt một chú chó, nước bọt sẽ tự được tiết ra), sau một thời gian ngắn mới tác động đến điểm kích thích có điều kiện (ví dụ như rung chuông sau khi mang thức ăn đến trước mặt chú chó). Cứ thế lặp đi lặp lại để tạo thành thói quen, tức là song song đó, trên vỏ não cũng dần hình thành đường liên hệ tạm thời nối hai điểm kích thích với nhau. Như vậy, sau quá trình huấn luyện, mỗi lần rung chuông mà không cần đưa thức ăn đến thì chú chó cũng sẽ tự động tiết nước bọt.6 Tận dụng cơ chế hoạt động của não bộ, chúng ta cũng có thể rèn luyện cho bản thân mình cách ghi nhớ tốt hơn bằng cách tạo mối liên hệ giữa các mẩu thông tin – connect the dots. Bạn có thể sử dụng sơ đồ tư duy – Mind map, hệ thống lại các điểm kiến thức cần ghi nhớ, và liên kết chúng lại với nhau. Việc này sẽ giúp bạn vừa có thể hiểu được toàn cảnh vấn đề, vừa có thể khơi gợi trí nhớ (khi nhắc đến điểm A thì sẽ nhớ đến điểm B được kết nối với điểm A).

Một ví dụ hóm hỉnh khác cho tác động của “connect the dots” đến việc ghi nhớ đó chính là giai thoại về món “Đại phong” của Trạng Quỳnh. Theo truyện kể lại thì khi Chúa Nguyễn đến nhà Trạng Quỳnh, Trạng Quỳnh đã dâng lên bát cơm nguội trộn nước tương cho Chúa ăn, được gọi là món “Đại phong”. Khi các quan văn võ hỏi “Đại phong” là món gì, lúc này Trạng mới giải thích: “Đại phong là gió lớn. Gió lớn thì đổ chùa. Đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương”.7 Như vậy, khi bạn nghe câu chuyện này một vài lần, bạn sẽ dần nhớ đến món “Đại phong” chính là lọ tương, bởi sự kết nối giữa các từ “đại phong” – “tượng lo” – “lọ tương”, tương tự như vậy chơi một trò chơi “connect-the-dots” lặp đi lặp lại nhiều lần.

3. Việc học chưa bao giờ là lãng phí, cho dù bạn học cái gì

Năm 1972, sau khi bỏ học đại học, Steve Jobs đã tham gia một lớp học thư pháp hiện đại (Calligraphy). Ông không có ý định trở thành người viết thư pháp, viết thiệp cưới; nhưng nhờ việc học Calligraphy của Steve Jobs mà bây giờ chúng ta mới có nhiều font chữ và giao diện đẹp, có tính nghệ thuật và tinh gọn để sử dụng. Jobs cũng từng nói: “Nhiều người trong ngành không có nhiều trải nghiệm đa dạng. Vì vậy, họ không có đủ các dấu chấm để kết nối và họ chỉ đưa ra được những giải pháp đơn điệu mà không có cái nhìn bao quát cho vấn đề. Chúng ta càng có nhiều hiểu biết về trải nghiệm của con người, thì thiết kế của chúng ta mới càng hữu dụng.”8

“A lot of people in our industry haven’t had very diverse experiences. So they don’t have enough dots to connect and they end up with very linear solutions without a broad perspective on the problem. The broader one’s understanding of the human experience, the better design we will have.”

Steve Jobs

I, Steve: Steve Jobs in His Own Words

Cùng tư tưởng với Steve Jobs còn có Elon Musk. Musk thường xuyên đọc sách từ khi còn bé và ông luôn tìm hiểu kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực mà ông theo đuổi. Chính nhờ tư tưởng này, Elon Musk đã áp dụng kiến thức mà mình học được ở một lĩnh vực sang các lĩnh vực khác. Một trong những thành quả mà ông gặt hái được nhờ phương pháp này chính là sự ra đời của Paypal – sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh.9

Làm thế nào để “connect the dots”?

“Connect the dots” là một phương pháp, là một kỹ năng, và kỹ năng nào để trở thành thói quen cũng cần có sự rèn luyện. Việc tập luyện để trở nên thành thạo kỹ năng này tuy không dễ, nhưng cũng không quá khó để đạt được. Cùng Lemon’s Tribe xem qua một số mẹo để thấm nhuần phương pháp này nhé:

  • Tập cho bản thân thói quen quan sát, lắng nghe và ghi chú các từ khoá. Bạn cần lưu ý là khi bạn ghi chép lại từ khoá nào đó, hãy để ý cả ngữ cảnh sử dụng, và các thông tin liên quan đến các từ khoá đó. Sau đó, bạn hãy dành thời gian để xem lại những gì mà bạn đã ghi chép, tóm tắt các ý chính hay thông điệp mà các từ khoá đem lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể gợi lại những kiến thức mà bạn đã biết, tạo đường dẫn liên kết đến những từ khoá mà bạn vừa tiếp thu. Để đảm bảo cho những suy luận về đường liên kết giữa các thông tin này, bạn có thể tra cứu thêm các nguồn thông tin đáng tin cậy trên Internet, hay sách vở. Tất cả những hành động này sẽ giúp cho bạn mở rộng kiến thức nhanh chóng hơn, áp dụng được đúng trường hợp, và quan trọng nhất là các từ khoá đó sẽ giúp bạn ghi nhớ kiến thức liên kết với chúng.
  • “Học, học nữa, học mãi”, không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng. Cho dù hôm nay việc bạn đang làm/đang học, bạn chưa hình dung được bạn sẽ áp dụng chúng như thế nào cho tương lai, nhưng bạn hãy tin rằng, bằng cách nào đó, bạn sẽ tận dụng được chúng trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi, hoặc chúng sẽ tạo tiền đề để bạn chạm ngõ lĩnh vực khác.
  • Giữ cho mình một đầu óc rộng mở, sẵn sàng tiếp nhận nhiều loại kiến thức khác nhau. Tăng trải nghiệm không chỉ trong công việc, học tập, mà còn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Bạn có thể thử một sở thích nào đó mới lạ, ví dụ như học làm gốm, chơi mô hình, làm video ngắn, v.v. Hoặc bạn cũng có thể tham gia các hoạt động cộng đồng, kết nối với nhiều người ở các ngành nghề khác nhau. Mỗi trải nghiệm mà bạn đi qua, mỗi kỹ năng tưởng chừng chẳng ăn nhập gì sẽ giúp bạn, có thể là, tạo dựng một doanh nghiệp riêng của chính bạn, hay cho bạn những chất liệu để đột phá hơn nữa trong cuộc sống.
  • Ngoài những yếu tố trên, bạn có thể tập sử dụng Mind map như một công cụ trong học tập hay làm việc. Khi bạn tổng hợp lại kiến thức mà mình đã học được bằng sơ đồ tư duy, bạn sẽ dễ nhìn thấy toàn cảnh và hiểu vấn đề sâu hơn.
  • Hãy nhớ rằng, đừng vội đưa ra kết luận khi chưa có đủ dữ liệu (bao nhiêu là đủ thì còn tuỳ vào hoàn cảnh). Tập thói quen sử dụng dữ liệu khi đưa ra bất kỳ luận điểm nào (như phá án thì cần chứng cứ vậy đấy). Mình hay nói với các bạn trẻ là “hãy cố gắng đừng để người khác bắt bẻ mình”, thì ý mình là với những lập luận mà các bạn đưa ra đều cần có dẫn chứng chứng minh cụ thể.

Cho dù bạn là một generalist (người tư duy bao quát) hay một specialist (người tư duy chi tiết) thì hãy rèn luyện kỹ năng “connect the dots”, bởi chúng sẽ rất hữu dụng không chỉ trong sự nghiệp mà trong cả cuộc sống của các bạn nữa đấy.

Tạm kết

Mình là người yêu thích Chiêm tinh học (Astrology), và bạn biết không, các chòm sao mà bạn thấy trên tranh ảnh hay Internet cũng xuất phát từ việc các nhà chiêm tinh học quan sát các điểm sáng (sao) trên bầu trời và kết nối chúng lại với nhau10. Các vì sao tưởng chừng như tồn tại độc lập, đơn lẻ nhưng thực tế lại có mối liên kết diệu kỳ. Các trải nghiệm hay kiến thức trong cuộc sống của bạn cũng vậy, chúng là những dấu chấm trong bức hoạ của cuộc đời bạn và chúng không đứng đơn độc một mình. Khi bạn xâu chuỗi chúng lại bằng chút hiếu kỳ, chút quan sát, chút để tâm, và thêm chút sáng tạo, bạn sẽ được dẫn dắt đến những chân trời thú vị mà bạn không ngờ tới.

Cứ đi rồi sẽ đến. Cheers!


Nguồn tham khảo

  1. https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/connect-the-dots ↩︎
  2. https://www.ohmydots.com/docs/2022/09/22/dotted-path-a-journey-through-the-history-of-connect-the-dots-games/ ↩︎
  3. https://www.youtube.com/watch?v=UF8uR6Z6KLc ↩︎
  4. https://www.forbes.com/profile/elon-musk/ ↩︎
  5. https://www.britannica.com/biography/David ↩︎
  6. https://rdsic.edu.vn/blog/toan/phan-xa-co-dieu-kien-va-khong-dieu-kien-tim-hieu-ve-vo-to-chuc-va-hieu-qua-vi-cb.html#5 ↩︎
  7. https://truyencotich.vn/truyen-cuoi/mon-mam-da.html ↩︎
  8. https://www.entrepreneur.com/leadership/why-steve-jobss-passion-for-calligraphy-is-an-important/377943 ↩︎
  9. https://www.linkedin.com/pulse/elon-musks-technique-learning-anything-faster-jenny-medeiros/ ↩︎
  10. https://starscapes.zone/constellations-a-game-of-connecting-the-dots/ ↩︎
Prev Learner types – Bạn là ai?
Next User Journey – Hành trình đi đến trái tim người dùng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *