Learner types – Bạn là ai?

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao có những người học thuộc rất giỏi chỉ bằng cách đọc bằng mắt, trong khi đó một số người phải đọc to ra thành tiếng mới ghi nhớ được? Hoặc có người cảm âm rất tốt; học ngoại ngữ bằng cách nghe thật nhiều podcast, video và bắt chước theo rất nhanh ngữ điệu hay cách dùng từ. Số khác lại phải xem hình ảnh mới hiểu vấn đề? Với phương pháp học cổ điển mà nhiều anh chị em chúng ta đã từng trải qua trong những năm tháng cắp sách đến trường, chắc hẳn sẽ không thiếu những gương mặt hoài nghi về khả năng học tập của mình. Nào thì học hoài mấy môn Sử Địa mà vẫn chả nhớ gì. Hay học hoài mấy môn Văn học mà vẫn chả hiểu sao phải phân tích như vậy, ý tứ đâu ra mà lắm thế? Hoặc cũng sẽ có những bạn cho dù có giải 100 đề Toán hình học vẫn không hấp thụ được. Và bạn nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ giỏi được môn A, môn B, môn C,…

Nhưng sự thật là bạn “vạn năng” hơn bạn nghĩ đấy. Giống như một cái ổ khoá, phải xỏ đúng chìa thì mới mở được. Con người bạn cũng vậy, phải hiểu mình là ai, biết phương thức phù hợp với mình thì mới khai mở được tiềm năng, biến nó thành năng lực. Và việc học muốn hiệu quả, thì người học cũng phải xác định được phong cách học tập của chính mình trước khi xây dựng chiến lược học tập đúng đắn.

Vậy phong cách học tập là gì?

Một trong những môn căn bản khi mới vào trường đại học trong quá trình mình du học, đó chính là môn học về việc xác định phong cách học tập (Learning Styles) của bản thân. Bạn dễ dàng có thể tìm thấy rất nhiều bài viết của các trường đại học về các phong cách học tập. Điều này cũng cho thấy việc giáo dục ở nhiều nước trên thế giới cũng chú trọng vào việc xác định phong cách học tập, làm tiền đề cho việc phát triển khả năng học tập của mỗi học sinh/sinh viên.

Phong cách học tập được định nghĩa là cách học phù hợp nhất của một cá nhân. Có rất nhiều mô hình phong cách học tập (như mô hình VAK/VARK, mô hình ADDIE, mô hình SAM,…), nhưng có thể nói nổi bật nhất trong giáo dục là mô hình VAK (Visual – nhìn, Auditory – nghe, Kinesthetic – hành động)1. Hãy cùng Lemon’s Tribe tìm hiểu về mô hình VAK trong bài viết này nhé.

Hình 1. Mô hình VAK2

Các thuật ngữ sử dụng trong mô hình VAK xuất phát từ Tâm lý học về hình ảnh tâm trí và khơi gợi từ ngữ, phát triển vào những năm 1910. Sau đó, nền móng của mô hình VAK tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi các nhà nghiên cứu về phương pháp đọc cho các học sinh khiếm khuyết khả năng học tập vào những năm 1920 và 1950; và tiếp theo là phương pháp dạy cho thanh niên thành phố vào những năm 1960. Sau cùng, Walter Burke Barbe cùng các đồng nghiệp đã cho ra đời mô hình VAK dùng để đánh giá phong cách học tập phù hợp cho mỗi cá nhân vào năm 1979. Những năm 1980 là thời kỳ son vàng của mô hình VAK. Trong những năm này, Neil Fleming đã góp phần phát triển mô hình VAK. Ông cũng chính là người tạo ra biến thể VARK của mô hình VAK, bổ sung thêm khía cạnh Reading – Đọc (tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về mô hình VAK). Đến những năm 2000, cùng với sự bùng nổ của Internet, mô hình VAK đã được phủ rộng đến các trường học, và được các giáo viên sử dụng rộng rãi hơn trong việc hỗ trợ sinh viên/học sinh học tập.3

Các yếu tố trong mô hình VAK bao gồm 3 nhóm: Visual – Nhìn, Auditory – Nghe, và Kinesthetic – Hành động.4

1. Visual – Nhìn

Người học thuộc nhóm Visual là những người học bằng thị giác và trí tưởng tượng hình ảnh. Điểm mạnh của nhóm này là họ có khả năng học tốt nhất bằng cách thu thập thông tin và ghi nhớ thông qua việc nhìn, quan sát hay đọc bằng mắt. Bên cạnh đó, họ còn có thể đánh vần rất tốt chỉ bằng cách mường tượng hình ảnh của từ ngữ, hoặc định hình không gian, phác hoạ ý tưởng trong tâm trí. Họ cũng rất hứng thú với tranh ảnh; thông tin trình diễn dưới dạng biểu đồ, infographic; những thứ liên quan đến mỹ thuật và nghệ thuật thị giác. Có thể nói não bộ của nhóm Visual là một bảo tàng hình ảnh thu nhỏ.

Mẹo cho người học thuộc nhóm Visual:

  • Bạn có thể sử dụng màu sắc để đánh dấu công việc, phân loại thông tin
  • Bạn có thể dùng flash cards để học từ vựng; sử dụng hình ảnh minh hoạ đi kèm; hoặc gắn liền sự việc cần ghi nhớ với một hình ảnh liên quan để tạo mối liên hệ gợi nhớ
  • Hãy chuẩn bị sẵn một danh sách công việc cần làm (task checklist) và đọc lại danh sách này trước khi bắt đầu thực hiện
  • Bạn cũng có thể sử dụng mindmap – sơ đồ tư duy để liên kết các thông tin và nhìn lại chúng một cách hệ thống
  • Tuy sở hữu sức mạnh thị giác, nhóm phong cách này lại rất dễ bị phân tâm khi học hoặc làm việc. Vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm học Visual, hãy dọn dẹp hết những thứ có thể làm bạn phân tâm trước khi bắt đầu công việc hoặc học tập (ví dụ như thiết bị điện tử không cần thiết, vật dụng trang trí bắt mắt, hoặc ngồi đối diện tường thay vì ngồi trước cửa sổ, vân vân), và đặt chế độ canh thời gian làm việc/học tập để bạn tập trung hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian này.

2. Auditory – Nghe

Auditory – Nghe là nhóm phong cách học tập dành cho những người học và tiếp thu kiến thức tốt nhất bằng thính giác. Học nắm bắt thông tin và ghi nhớ nhanh hơn thông qua việc lắng nghe, bởi họ là những người nhạy cảm với từ ngữ được nói ra, âm thanh và tiếng ồn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ dễ chú ý đến tông giọng, ngữ điệu, nhấn nhá hay vần điệu trong câu từ, sắc thái hay tâm trạng trong giọng nói. Khi nghe nhạc, họ sẽ thường chú trọng đến giai điệu và lời bài hát hơn là việc xem MV (music video). Họ sẽ thích được hướng dẫn bằng cách nghe người khác nói lại, thay vì phải tự đọc chỉ dẫn (ví dụ như nghe audio book – sách nói, thay vì đọc sách giấy). Điểm cộng cho nhóm thị lực mạnh mẽ này chính là họ có khả năng thuyết trình và diễn giải ý tưởng, suy nghĩ của mình đến người khác một cách dễ dàng với khả năng ngôn ngữ linh hoạt.

Mẹo cho người học thuộc nhóm Auditory:

  • Những người thuộc nhóm Auditory sẽ thích có âm thanh khi học. Vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm này, bạn có thể bật nhạc hoặc kiếm những không gian có âm nhạc thích hợp để làm việc và học tập. Lưu ý là nên chọn những loại âm nhạc không làm bạn phân tâm, ví dụ như nhạc cổ điển, lofi không lời.
  • Tuy nhóm Auditory ưa chuộng việc có âm thanh khi học tập và làm việc, nhưng các âm thanh đó phải ở mức vừa đủ và không bị biến động quá nhiều. Do tính chất nhạy cảm với âm thanh, những âm thanh có âm lượng quá lớn, hay việc người khác đứng nói chuyện gần bạn khi bạn đang tập trung cũng có thể làm bạn xao nhãng. Thế nên, bạn có thể lựa chọn các thiết bị nghe như tai nghe giảm tiếng ồn để hạn chế khó chịu khi học tập và làm việc nhé.
  • Một trong cách tốt nhất để học một thứ gì đó, và đặc biệt hiệu quả cho nhóm Auditory, chính là giảng bài lại cho người khác. Chính việc nói ra các kiến thức và truyền đạt lại cho người nghe, sẽ giúp người nói khơi gợi trí nhớ và liên kết các dữ liệu lại với nhau. Từ đó, thúc đẩy việc ghi nhớ đạt hiệu quả tối ưu.
  • Nhóm Auditory có thể không phải là những người giỏi ghi chép, take note (ghi chú lại) trong quá trình học hay làm việc (ví dụ như khi bạn đi họp và bạn phải viết meeting minutes – biên bản cuộc họp), nên mẹo nhỏ cho các bạn là hãy thu âm lại bài giảng/cuộc họp để có thể nghe lại sau đó.

3. Kinesthetic – Hành động

Có thể gọi vui nhóm Kinesthetic – Hành động là “những đôi tay linh hoạt”, bởi họ là những các người học tốt nhất thông qua sự chạm nắm, thao tác của đôi bàn tay. Nếu bạn thích và khéo léo với việc lắp ráp, sửa chữa, nấu nướng hay làm thủ công (DIY) thì có khả năng bạn thuộc nhóm Kinesthetic. Nhóm này cũng thích tự mình mày mò khám phá, tự mình học cách sử dụng một dụng cụ/đồ vật nào đó trước khi đọc hướng dẫn sử dụng, hay nghe người khác giải thích. Ngoài ra, những bạn thuộc nhóm Kinesthetic sẽ khó để hình dung các vấn đề trừu tượng, và thường sẽ thích mọi thứ được giải thích gãy gọn, đi vào trọng tâm.

Mẹo cho người học thuộc nhóm Kinesthetic:

  • Những bạn thuộc nhóm Kinesthetic dễ bị hiểu nhầm là có triệu chứng của ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý), bởi bạn rất dễ bị buồn tay (lưu ý là để xác định bạn có thực sự mắc ADHD hay không thì hãy thăm khám ở các cơ sở y tế uy tín nhé). Ví dụ như trong cuộc họp, rất dễ bắt gặp việc 1 bạn Kinesthetic xoay bút hay vẽ viết nguệch ngoạc trên giấy nếu như bạn ấy chỉ có mỗi việc nghe người khác nói mà không được nói gì hay làm gì. Thay vì vậy, bạn có thể vận dụng cách ghi chú để tay bạn có thể được sử dụng, mà vẫn có thể tận dụng cho công việc của bạn.
  • Phương pháp mindmap hoặc viết lại các kiến thức đã học cũng là một cách rất tốt để các bạn ghi nhớ khi học tập. Việc viết ra chính là cách để bạn sử dụng đôi tay cho việc hồi tưởng lại thông tin trong não bộ.
  • Với một số bộ môn có thể làm thí nghiệm, hãy tận tay bạn làm những thí nghiệm đó để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Trắc nghiệm phong cách học tập của bạn

Bạn có thể thử làm bài trắc nghiệm để xác định phong cách học tập của bạn tại đường dẫn này: https://trainingcoursematerial.com/free-assessment-tools/vak-learning-styles-questionnaire-quiz

Kết luận

Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hữu dụng của phong cách học tập, và liệu có hay không một phong cách học tập hoàn thiện nhất dành cho mỗi người, có thể nói xác định được phong cách học tập nổi trội nhất cũng phần nào giúp người học hạn chế những khó khăn trong quá trình đạt được kết quả mong muốn. Thường thì những bài trắc nghiệm xác định phong cách học tập cũng sẽ chỉ ra cho bạn phong cách học tập nào là chiếm ưu thế, từ đó giúp bạn tận dụng được lợi thế vốn có trong con người bạn.

Mặt khác, điều này cũng không có nghĩa là bạn chỉ nên sử dụng một phương pháp duy nhất để làm việc hay học tập. Não bộ của chúng ta gồm có 2 bán cầu trái và phải, và nhiều bộ phận khác cấu thành nên. Mỗi bộ phận sẽ có những nhiệm vụ khác nhau. Tuy rằng một số người sẽ phát triển hơn về một bộ phận nào đó, ví dụ như bán cầu não phải, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn chỉ có thể làm tốt những gì thuộc về bán cầu não phải. Bẩm sinh là một phần, phần còn lại phụ thuộc vào sự luyện tập của bạn. Bạn cũng có thể luyện tập sử dụng cả tay phải nếu bạn thuận tay trái, và luyện thêm các bài tập khác cho não bộ để hướng đến sự phát triển cân bằng của não bộ. Tương tự như vậy, hãy luyện tập để có thể phát huy khả năng của các giác quan có trong bạn, nhờ đó bổ trợ cho sự phát triển của chính cá nhân bạn.5


Nguồn tham khảo

  1. https://www.apa.org/pubs/highlights/spotlight/issue-277 ↩︎
  2. https://discoverlearning.com.au/wp-content/uploads/2021/08/visual-auditory.png ↩︎
  3. https://psycnet.apa.org/doiLanding?doi=10.1037%2Fhop0000240 ↩︎
  4. https://www.youthemployment.org.uk/what-are-vak-learning-styles-and-what-learning-style-suits-you/ ↩︎
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK234157/#:~:text=The%20brain%20is%20divided%20into,another%20(more…) ↩︎