Ở bài viết kỳ trước Tôi tư duy, tôi…bàn về Tư duy (Kỳ 1), chúng ta đã cùng tìm hiểu về một số kiểu tư duy chính. Ở bài viết kỳ này, chúng ta sẽ cùng đi qua một số bài test giúp bạn xác định được lối tư duy phổ biến của bản thân mình.
Bài test Types of Thinking1
Lemon’s Tribe đã giới thiệu đến các bạn 7 kiểu tư duy phổ biến: concrete thinking, abstract thinking, convergent thinking, divergent thinking, critical thinking, creative thinking và analytical thinking. Bài test Types of Thinking sẽ hỗ trợ chúng ta biết được những lối suy nghĩ, kiểu tư duy nào là nổi trội trong con người mình trong số các kiểu tư duy sau:
- Concrete thinking – Tư duy thực tế
- Abstract thinking – Tư duy trừu tượng
- Analytical thinking – Tư duy phân tích
- Logical thinking – Tư duy logic
- Creative thinking – Tư duy sáng tạo
- Imaginative thinking – Tư duy tưởng tượng
Tương ứng với các kiểu tư duy này sẽ có tên gọi cho những nhóm người mang lối tư duy đó:
- The Doer: Những người thiên về Concrete thinking
Nhóm Doer là nhóm những người thuộc tuýp hành động. Sẽ dễ hiểu vì sao các nghệ nhân, người làm thủ công, hoặc vận động viên thường sẽ thuộc nhóm Doer vì concrete thinking – tư duy thực tế là đặc điểm của nhóm này. Vì vậy họ thường nghĩ về những gì mang tính thực tế, có khả năng thực hiện được và nổi trội trong việc tạo ra các sản phẩm hữu hình. Có thể nhóm Doer đóng góp rất nhiều cho xã hội bởi chính những sản phẩm vật lý được họ làm ra.
- The Analyst: Sự kết hợp giữa Analytical và Abstract thinking
Cái tên nói lên tất cả, nhóm Analyst là những người suy nghĩ trừu tượng, xử lý những thông tin mang tính biểu tượng hoặc những dòng code phức tạp, nhưng phải logic và chi tiết. Không quá bất ngờ khi nghề nghiệp phù hợp cho nhóm đối tượng này chính là nhà khoa học, những người làm phân tích (Data Analyst hay Business Intelligence Analyst), lập trình viên, hoặc nhà kinh tế học.
- The Orator: Tên gọi cho những ai mạnh về Logical thinking
Nếu bạn thắc mắc logical thinking (tư duy logic) khác gì so với analytical thinking (tư duy phân tích), thì câu trả lời là tư duy logic chính là nền tảng cho tư duy phân tích. Trước khi bạn đi sâu vào phân tích bất cứ thứ gì, bạn sẽ cần đặt ra giả thuyết phù hợp, hoặc sắp xếp suy nghĩ và các bước cần thực hiện một cách trật tự và hợp lý. Ngay cả sau khi đã hoàn thành việc phân tích các con số và dữ kiện thì tư duy logic cũng sẽ giúp bạn kết nối các mẩu thông tin đúc kết được để đưa ra kết luận.
Quay lại giới thiệu về nhóm Orator – nhóm những người có thế mạnh về tư duy logic, đặc biệt là với khả năng sử dụng từ ngữ để thuyết phục người khác. Hay nói cách khác, họ là những người từ suy nghĩ, cho đến những lời họ nói, câu từ họ viết đều thể hiện sự mạch lạc, rõ ràng và mang tính thuyết phục cao. Họ có khả năng truyền tải những ý tưởng, thông tin phức tạp, rối rắm một cách trơn tru, dễ hiểu và logic. Với các yếu tố trên, nhóm Orator thường sẽ bao gồm các nhóm nghề như phóng viên, chính trị gia, giáo viên, hay tư vấn viên.
- The Inventor: Những người mang trong mình Imaginative thinking
“Trí tưởng tượng phong phú” có lẽ là cụm từ phù hợp nhất dành để mô tả nhóm Inventor. Như cái tên gọi của nhóm này, bằng cách tư duy hình ảnh, mường tượng được cả những thứ chưa từng tồn tại, thì không quá ngạc nhiên khi nhóm Inventor có khả năng tạo ra các thiết kế mới lạ, độc đáo. Nếu bạn thấy mình ở trong nhóm này, thì có thể những ngành nghề như thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ hay những công việc liên quan nhiều đến hình ảnh sẽ là lựa chọn tốt dành cho bạn.
- The Original Thinker: Creative thinking là điểm mạnh của bạn
Cũng là tư duy mang tính chất sáng tạo như nhóm Inventor, tuy nhiên, nếu nhóm Inventor mạnh về tư duy hình ảnh và tưởng tượng, thì nhóm Original Thinker là người luôn tìm cách để giải quyết vấn đề một cách khác biệt. Điều thú vị ở họ chính là cách họ nhìn sự vật, sự việc dưới những góc độ mà những nhóm khác sẽ không để ý. Nhắc đến nhóm Original Thinker, có thể kể đến Thomas Edison, Steve Jobs, Issac Newton,…2, những người tạo ra các phát minh vĩ đại cho thế giới, hoặc tạo dựng nên những sản phẩm mang tính đột phá.
Không ai trong chúng ta sẽ chỉ có một kiểu tư duy tồn tại trong con người mình. Qua bài test này, bạn có thể khám phá ra được mức độ bạn sử dụng các kiểu tư duy, cũng như kiểu tư duy đặc trưng của bạn. Đây cũng là cách để bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình, và giúp bạn tận dụng được lợi thế, cũng như là tín hiệu để bạn rèn giũa những kiểu tư duy đang còn nhiều khoảng không phát triển.
Link bài test: https://psychologia.co/types-of-thinking/
Bài test về cách tư duy khi làm việc3
Ở bài test trên, chúng ta đã bàn đến việc xem xét kiểu tư duy của mỗi người với tư cách là một cá thể độc lập. Vậy trong môi trường công việc hay học tập, kiểu tư duy của bạn sẽ là gì, và có vai trò như thế nào trong mắt xích của một đội nhóm hay một tổ chức? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về kiểu tư duy của bạn trong môi trường làm việc (Workplace Thinking Styles).
Bài test Workplace Thinking Styles được tạo ra bởi Mark Boncheck (người sáng lập kiêm CEO của Shift Thinking) và Elisa Steele (CEO kiêm chủ tịch của Jive). Khi làm việc với nhiều doanh nghiệp, Mark và Elisa nhận ra rằng thường thì các tổ chức hay đội nhóm chỉ đánh giá độ phù hợp, vai trò của các cá nhân trong tổ chức dựa trên những gì họ làm, mà bỏ qua việc đánh giá trên cơ sở những gì họ nghĩ. Sau đó, các công việc và nhiệm vụ cần phải thực hiện sẽ được phân chia dựa trên vai trò thực hiện, chứ không có sự phân bổ về vai trò tư duy. Ví dụ như khi muốn biết về tiến độ công việc thì bạn sẽ tìm đến Project Manager, hoặc muốn tìm hiểu chi tiết về bối cảnh thị trường hay đối thủ thì nhiệm vụ sẽ được giao cho người phụ trách việc nghiên cứu. Và tất nhiên, việc xác định vai trò thực hiện của các thành viên trong đội thì dễ dàng hơn rất nhiều việc phân định vai trò tư duy của họ, hay có thể nói, hầu như không có công cụ nào để hỗ trợ các doanh nghiệp làm được điều này. Chính vì vậy, Mark và Elisa đã nghiên cứu và tạo ra phương pháp đánh giá kiểu tư duy của các cá thể trong một tập thể ở môi trường làm việc, mang tên Workplace Thinking Styles.
Phương pháp Workplace Thinking Styles sẽ bao gồm ba bước:
- Bước 1 – Focus: Xem xét tư duy của bạn thường tập trung vào khía cạnh nào trong các khía cạnh sau: ý tưởng (ideas), process (quá trình hoặc quy trình), hành động (action), và các mối quan hệ (relationships). Lưu ý là chúng ta sẽ quan sát thử khi bắt đầu ngày mới, theo tư duy thông thường của bạn thì việc gì bạn sẽ suy nghĩ đầu tiên.
- Bước 2 – Orientation: Xác định xu hướng tư duy của bạn: theo hướng tổng quát hay theo hướng đi vào chi tiết. Bạn có thể đánh giá xu hướng của bản thân bằng việc suy nghĩ thử điều gì làm bạn khó chịu hơn trong các cuộc họp (ví dụ như cuộc họp đi quá sâu vào chi tiết, hay khi cuộc họp quá bao quát và chung chung).
- Bước 3 – Ráp nối Focus và Orientation: Sau khi bạn đã biết được Focus và Orientation của bạn là gì, bạn có thể kết nối chung lại với nhau và so chiếu trên bảng dưới để biết được kiểu tư duy trong môi trường làm việc của bạn là gì.
Từ bảng trên, chúng ta sẽ 8 nhóm người tư duy như sau:
- Explorer: người tạo ra những ý tưởng sáng tạo hay đưa ra các chiến lược
- Planner: người xây dựng quy trình và hệ thống làm việc tốt nhất cho cả đội
- Energizer: người phân chia công việc cần thực hiện cho các thành viên trong nhóm
- Connector: người kết nối cả đội với nhau, xây dựng sự gắn kết giữa các cá nhân trong đội
- Expert: người nghiên cứu để tìm ra được kết luận/nhận định một cách khách quan, có số liệu chứng minh cụ thể
- Optimizer: người chú trọng cải thiện năng suất và độ hiệu quả của những việc cả đội làm
- Producer: người suy nghĩ về các bước cần làm để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đây là người sẽ thực thi các kế hoạch đề ra, biến “giấy trắng mực đen” thành thành phẩm.
- Coach: người chuyên về việc đào tạo, hay khai mở tiềm năng của các thành viên trong đội
Phương pháp trên không chỉ giúp mỗi người trong chúng ta nhìn thấy đặc điểm trong tư duy của bản thân mình, mà còn giúp doanh nghiệp hay các đội nhóm biết rõ hơn những kiểu tư duy nào đang tồn tại trong nhóm của họ. Giả sử, nếu như trong một đội, có quá nhiều người thuộc nhóm Big picture (nhìn bao quát) nhưng không có sự đan xen của Action (hành động), thì đội đó sẽ chỉ bàn về các ý tưởng và kế hoạch, nhưng việc thực thi khả năng sẽ bị bỏ ngỏ. Sau khi đã biết được đội của mình có gì, thừa gì, thiếu gì, sẽ là lúc để đội đó sắp xếp lại nguồn lực, hoặc điều chỉnh lại cách tư duy của các thành viên đang có (nếu muốn giữ nguyên đội hình) để có thể hoàn thành mục tiêu chung của cả đội.
Link bài test: https://www.shift.to/thinking-styles-quiz
Nguồn tham khảo
- https://psychologia.co/types-of-thinking/ ↩︎
- https://thinkcreative.uk/thinking/7-great-creative-thinkers-in-history ↩︎
- https://www.shift.to/thinking-styles-quiz ↩︎
- https://hbr.org/resources/images/article_assets/2015/11/W151111_BONCHEK_WHATSYOUR.png ↩︎
One thought on “Tôi tư duy, tôi… bàn về Tư duy (Kỳ 2)”