Một trong những điều tạo nên sự khác biệt giữa loài người và các loài động vật khác chính là con người có tư duy, còn động vật thì không. Trẻ sơ sinh từ 5 tháng tuổi đã bắt đầu hình thành nhận thức và trí nhớ1, và cho đến khi khoảng 25 tuổi (hoặc có thể đến đầu tuổi 30) thì não bộ của con người mới phát triển hoàn thiện2. Vậy thì tư duy là gì, tại sao chúng ta lại cần có tư duy, có những loại tư duy nào, và với một người làm Product thì loại tư duy nào là cần thiết? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Tư duy là gì và tại sao chúng ta lại cần có tư duy?

Tư duy là một quá trình quan trọng của não bộ, liên quan đến khả năng xử lý thông tin; giữ sự tập trung; lưu trữ và gợi lại trí nhớ; lựa chọn lời nói hoặc hành động phù hợp; và đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề. Đồng thời, tư duy còn là khả năng thấu hiểu và bộc lộ, thể hiện bản thân với những người khác.3

Vậy tại sao con người lại cần phải tư duy?

Theo góc độ sinh học thì việc tư duy sẽ giúp con người nhận biết được những việc diễn ra trong môi trường sống. Từ đó, con người sẽ dễ dàng hơn trong việc thích ứng với thế giới xung quanh, giúp chúng ta tồn tại, sống và phát triển. Với sự tiến hoá của loài người, nếu như lúc trước con người đơn giản là tìm cách để sinh tồn, thì ngày nay, chúng ta còn phải quan tâm đến việc phát triển bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn, sức khoẻ,… Trong quá trình sinh sống, chúng ta thu thập dữ liệu, trải nghiệm và đúc kết chúng thành kinh nghiệm sống. Khi chúng ta dành thời gian để nhìn nhận lại những sự việc đã diễn ra, nhìn nhận lại chính mình, đó là lúc chúng ta rút ra những bài học quý giá cho bản thân mình. Rõ ràng trong quá trình nhìn lại này không thể thiếu bóng dáng của việc tư duy.4

Đối với người làm sản phẩm, tư duy của người dùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình họ tương tác với một sản phẩm/dịch vụ, bởi vì người dùng cần phải xử lý các thông tin, phân tích, lựa chọn thao tác phù hợp hoặc gợi nhớ lại một số thông tin để hoàn thành hành trình của mình.5 Vì vậy, những người làm sản phẩm sẽ cần hiểu được tư duy của người dùng để đưa ra tính năng hay sản phẩm phù hợp với tư duy chung của khách hàng mục tiêu, và đảm bảo được trải nghiệm người dùng. Song song đó, với vai trò của một Product Owner, bạn sẽ phải áp dụng nhiều loại tư duy khác nhau để xử lý vấn đề, và để mang đến những cải tiến đột phá, đặc biệt khi bạn làm trong lĩnh vực Công nghệ luôn không ngừng tân tiến hơn từng ngày.

Tư duy gồm những loại nào?

Tất nhiên, với dân số hơn 8 tỷ dân trên thế giới thì sẽ không có chuyện tất cả chúng ta đều cùng có một lối tư duy. Trên thực tế mà các nhà khoa học nghiên cứu, có 7 loại tư duy chính được công nhận, bao gồm:

1. Perceptual/ Concrete/ Literal thinking – Tư duy thực tế

Tư duy thực tế dựa trên những gì bạn nghe, nhìn và cảm nhận tại thời điểm diễn ra sự việc. Theo nhà Tâm lý học Jean Piaget, con người thường sử dụng tư duy thực tế mạnh mẽ nhất vào độ tuổi từ 2 cho đến 11, khi là những đứa trẻ quan sát và khám phá mọi thứ xung quanh6. Người tư duy thực tế chú trọng vào sự thật, bằng chứng, chứng cứ để đưa ra kết luận cho nhận định của mình7. Đặc biệt, tư duy thực tế sẽ nhìn nhận sự vật, sự việc tại đúng thời điểm mà họ tiếp xúc, chứ không khái quát hoá hay nghĩ “bóng gió” sự vật, sự việc đó cho các hoàn cảnh và trường hợp khác. Ví dụ như một người mạnh về tư duy thực tế nhìn thấy một quả chuối, thì đơn giản cái họ nghĩ để là một quả chuối. Còn với những người suy nghĩ trừu tượng thì họ có thể nghĩ đến nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin K, hoặc nghĩ đến màu vàng.8

Những người thiên hẳn về tư duy thực tế, tức là chỉ tin nếu “tai nghe, mắt thấy”, sẽ gặp phải một số hạn chế nhất định. Họ sẽ khó đồng cảm hơn với những trải nghiệm của người khác nếu họ không tự mình trải qua những sự việc đó. Bên cạnh đó, nếu bạn là người tư duy thực tế quá nhiều, trí tưởng tượng của bạn ít phát triển hơn và khả năng sáng tạo cũng sẽ bị giới hạn. Vì vậy, việc giải quyết các vấn đề đòi hỏi phải có tính sáng tạo sẽ là thách thức lớn đối với bạn. Đồng thời, việc tư duy thực tế nhiều cũng sẽ hình thành nên tính cách có phần kém linh hoạt và cứng nhắc khi xử lý tình huống.9

2. Conceptual/ Abstract thinking – Tư duy trừu tượng

Ngược lại với tư duy thực tế là tư duy trừu tượng. Những người phát triển tốt khả năng tư duy trừu tượng có khả năng nắm bắt được ý nghĩa ẩn dụ của những câu nói, sự vật (vượt qua ngoài hình ảnh vật lý của sự vật đó); xâu chuỗi các mẩu thông tin/sự việc rời rạc với nhau và đưa ra nhận định riêng biệt của mình; thấu hiểu được cảm xúc của người khác, hoặc những phạm trù có tính chất trừu tượng.

Thường thì đến giai đoạn dậy thì, con người sẽ bắt đầu phát triển khả năng tư duy trừu tượng nhiều hơn để có thể hiểu những người xung quanh mình, thu thập và phân tích thông tin,…. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta sẽ sử dụng cả tư duy thực tế và tư duy trừu tượng thì mới có thể hoạt động bình thường trong đời sống hàng ngày. Việc sử dụng loại tư duy nào nhiều hơn sẽ còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, nhưng cốt yếu vẫn nên chú trọng đến sự cân bằng, bởi vì cái gì quá cũng có khả năng phản tác dụng.10

3. Convergent thinking – Tư duy hội tụ

Hai thuật ngữ “Tư duy hội tụ” (Convergent thinking) và “Tư duy phân nhánh” (Divergent thinking) được tạo ra bởi Nhà Tâm lý học J. P. Guilford vào năm 1956. Trong đó, tư duy hội tụ tập trung vào việc đưa ra một giải pháp cho vấn đề, sử dụng những thông tin hoặc công cụ sẵn có. Tư duy hội tụ cũng phù hợp cho việc tìm ra phương án phù hợp nhất theo một cách logic, khi không còn phương án nào khác khả thi. 11Thường thì tư duy hội tụ sẽ được con người sử dụng nhiều khi thi trắc nghiệm (tìm ra đáp án đúng nhất cho câu hỏi đề ra), hoặc khi cần giải quyết nhanh vấn đề với nguồn lực hạn chế12.

4. Divergent thinking – Tư duy phân nhánh

Ngược lại với tư duy hội tụ là tư duy phân nhánh. Tư duy phân nhánh sẽ sử dụng tính sáng tạo, tìm kiếm nhiều phương án khác nhau nhằm giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Những người tư duy phân nhánh thường dùng mindmap (sơ đồ tư duy) hoặc mô hình Problem Tree (mô hình cây vấn đề) để phác thảo những suy nghĩ và hướng đi cho vấn đề của mình.13

5. Critical thinking – Tư duy phản biện

Tư duy phản biện là một quá trình suy nghĩ cẩn thận về một chủ đề hoặc ý tưởng, mà không để bất kỳ cảm xúc hay ý kiến cá nhân nào ảnh hưởng đến quyết định của bạn14. Tư duy phản biện bao gồm cả khả năng tư duy phản chiếu (reflective thinking) và tư duy độc lập (independent thinking). Hay nói cách khác, tư duy phản biện bao gồm các kỹ năng:

  • Hiểu được mối liên hệ logic giữa các thông tin/ý tưởng/quan điểm
  • Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận
  • Tìm ra sự không nhất quán và các lỗi sai phổ biến trong các lập luận
  • Giải quyết vấn đề một cách có hệ thống
  • Nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng
  • Nhìn nhận lại cách biện luận cho những niềm tin và giá trị của bản thân

Một người nhớ giỏi hay thu thập được nhiều thông tin thì chưa chắc đã là người có tư duy phản biện tốt. Một người được coi là có tư duy phản biện tốt thì sẽ biết cách tổng hợp thông tin từ những nguồn đáng tin cậy, có khả năng sử dụng những thông tin đó để đưa ra kết luận cuối cùng một cách hợp tình hợp lý.15

6. Creative thinking – Tư duy sáng tạo

Theo Francis Galton khi nghiên cứu những thiên tài sáng tạo, tư duy sáng tạo là suy nghĩ một cách đột phá; tạo ra những giải pháp, ý tưởng khác với những gì đã có trước đó nhưng đáng giá16. Ngoài ra, những người có khả năng tư duy sáng tạo còn có thể nhìn nhận sự vật, sự việc từ góc nhìn khác so với những gì được ghi nhận trước đó. Nhà Tâm lý học Howard Gardner cũng cho rằng tư duy sáng tạo vừa là khả năng tạo ra những thứ mới hoặc làm những việc sẵn có theo những cách mới17.

Tư duy sáng tạo không chỉ dành cho những thiên tài, mà bất kể ai trong chúng ta cũng có thể phát triển khả năng tư duy sáng tạo. Sự phát triển của công nghệ tạo nên sân khấu cho những tài năng thể hiện sự sáng tạo của mình, nhưng song song đó, một bộ phận rất lớn trong chúng ta đang vô tình bị lấy mất đi cơ hội rèn giũa tư duy sáng tạo. Cách giải quyết cho những phút giây buồn chán, cô đơn của nhiều người ngày nay là lướt đi thoại, say sưa với vô vàn nội dung ở trên không gian ảo. Nhưng chúng ta quên rằng sự buồn chán chính là nơi khởi nguồn của tư duy sáng tạo. Khi có những thời gian rảnh rỗi, chúng ta có thể thả mình vào những suy tư; hoặc tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm nhiều thứ thú vị và hay ho, hoặc luyện tập những kỹ năng hữu ích cho mình. Sáng tạo không phải sự bùng nổ tức thời, mà là thành quả của cả một quá trình luyện tập.

7. Analytical thinking – Tư duy phân tích

Tư duy phân tích là khả năng đưa ra giải pháp hay quyết định bằng việc sử dụng các phương pháp có logic và hệ thống, cần thực hiện từng bước một để đi đến kết quả cuối cùng. Cách tư duy này sẽ chú trọng nhiều đến chi tiết. Quá trình tư duy phân tích sẽ diễn ra như sau:

  • Chia nhỏ thông tin thành nhiều thành phần
  • Sử dụng một phương pháp logic, từng bước một xem xét dữ liệu
  • Xác định vấn đề
  • Đưa ra kết luận

Cách tư duy này rất cần thiết cho việc giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định, đặc biệt trong công việc.18

Tạm kết

Trên đây là là một số kiểu tư duy phổ biến. Ngoài những kiểu tư duy này, còn có một số loại khác mà bạn có thể tìm hiểu thêm, ví dụ như Lateral thinking (tư duy đa chiều – một sự kết hợp giữa Divergent và Convergent thinking), Holistic thinking (tư duy toàn diện), Intuitive thinking (tư duy trực giác), Systems thinking (tư duy hệ thống), Strategic thinking (tư duy chiến lược), Design thinking (tư duy thiết kế)…. Không có kiểu tư duy nào là hoàn hảo, nếu chúng ta thiên hẳn về một kiểu tư duy nào thì cũng sẽ có những trở ngại nhất định. Mỗi người trong chúng ta thường sẽ kết hợp nhiều kiểu tư duy để hoàn thành các công việc hàng ngày.

Trong bài viết kỳ sau, Lemon’s Tribe sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn một số hình thức phân loại kiểu người tư duy, để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về cách mà bản thân bạn thường tư duy.

✍️ Bài Viết Kỳ Tới: Tôi tư duy, tôi… bàn về Tư duy (Kỳ 2)


Nguồn tham khảo

  1. https://www.google.com/url?sa=t&source=web&rct=j&opi=89978449&url=https://www.science.org/content/article/when-does-your-baby-become-conscious%23:~:text%3DResearchers%2520discover%2520brain%2520patterns%2520that%2520suggest%2520onset%2520of%2520attention%2520and%2520awareness%26text%3DFor%2520everyone%2520who%27s%2520looked%2520into,early%2520as%25205%2520months%2520old.&ved=2ahUKEwivsqr3o5yJAxXVqVYBHZdoO74QFnoECBMQAw&usg=AOvVaw2NpNi51oZJz05sofoQkJm2 ↩︎
  2. https://www.npr.org/2011/10/10/141164708/brain-maturity-extends-well-beyond-teen-years ↩︎
  3. https://www.inclusivedesigntoolkit.com/UCthinking/thinking.html ↩︎
  4. https://www.theemotionmachine.com/the-purpose-of-thinking/#:~:text=The%20purpose%20of%20thinking%20is,firing%20off%20in%20our%20brains. ↩︎
  5. https://www.inclusivedesigntoolkit.com/UCthinking/thinking.html ↩︎
  6. https://www.webmd.com/brain/what-to-know-about-concrete-thinking ↩︎
  7. https://www.masterclass.com/articles/types-of-thinking ↩︎
  8. https://www.communicationtheory.org/types-of-thinking-tips-and-tricks-to-improve-thinking-skill/ ↩︎
  9. https://www.healthline.com/health/concrete-thinking ↩︎
  10. https://www.webmd.com/brain/what-to-know-about-concrete-thinking ↩︎
  11. https://asana.com/resources/convergent-vs-divergent# ↩︎
  12. https://www.masterclass.com/articles/types-of-thinking ↩︎
  13. https://www.masterclass.com/articles/types-of-thinking ↩︎
  14. https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/critical-thinking ↩︎
  15. https://philosophy.hku.hk/think/critical/ct.php ↩︎
  16. Simonton, D. K. (2019). The nature and nurture of creative genius: Francis Galton. In V. P. Glăveanu (Ed.), The creativity reader (pp. 291–303). Oxford University Press. ↩︎
  17. https://www.marshmallowchallenge.com/blog/top-7-types-of-thinking-for-better-decision-making/ ↩︎
  18. https://www.marshmallowchallenge.com/blog/top-7-types-of-thinking-for-better-decision-making/ ↩︎