Chào thân ái cả nhà, Lemon’s Tribe trở lại với một bài viết nữa về tư duy và kỹ năng thiết yếu cho công việc, học tập cũng như cuộc sống hàng ngày. Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có rất nhiều vấn đề từ bé đến lớn cần phải đối mặt và đưa ra giải pháp mỗi ngày. Vô hình trung, chúng ta đã và đang sử dụng kỹ năng giải quyết vấn đề mà chính bản thân mình cũng không nhận ra. Mặc dù chúng ta làm việc này hàng ngày, nhưng để cấu trúc lại thành một logic, một kỹ thuật bài bản và có thể nhanh chóng áp dụng cho các trường hợp cần thiết thì không phải là một điều dễ dàng. Việc này đòi hỏi phải có sự quan sát, tổng hợp, kiểm thử, rèn luyện, vân vân và vê vê. Vì vậy, để giúp các bạn phát triển tốt hơn và nhanh chóng hơn kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy cùng Lemon’s Tribe đi vào bài viết về Giải quyết vấn đề – Problem Solving trong kỳ này nhé.
Giải quyết vấn đề – Problem Solving là gì?
Nghe đao to búa lớn là thế, nhưng giải quyết vấn đề (Problem Solving) thực ra là một khả năng cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như khi trời mưa và bạn muốn ra ngoài thì bạn sẽ làm gì? Có nhiều cách để đạt được mục tiêu và vượt qua rào cản trời mưa: bạn có thể mặc áo mưa, hoặc cầm dù và đi ra ngoài. Có điều kiện hơn thì bạn bắt Grab Car hay taxi để đi cho khỏi ướt. Không những thế, giải quyết vấn đề còn là một quá trình xác định vấn đề, phát triển các giải pháp khả thi, và thực hiện các hành động thiết yếu để hoàn thành mục tiêu mong muốn1.
Nói một cách hoa mỹ thì giải quyết vấn đề là một nghệ thuật biến những thử thách thành cơ hội, là khả năng nhận diện, phân tích và tìm kiếm giải pháp để vượt qua khó khăn trong cả công việc lẫn đời sống. Từ việc xử lý các vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày cho đến giải quyết những bài toán phức tạp trong tổ chức, kỹ năng này chính là chìa khóa dẫn đến sự thành công và tiến bộ. Không chỉ dừng lại ở việc giải đáp câu hỏi hay xử lý rắc rối, giải quyết vấn đề còn là quá trình kích hoạt tư duy sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và mở ra những hướng đi mới mẻ cho tương lai.
Tại sao kỹ năng Giải quyết vấn đề lại cần thiết?23
Theo một báo cáo từ World Economic Forum (2023), chỉ ra rằng kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, là một trong những kỹ năng quan trọng và có tốc độ tăng trưởng về mặt nhu cầu của các doanh nghiệp đối với nhân viên của mình nhanh nhất trong giai đoạn 2023-20274. Càng lên vị trí cao hơn thì việc thành thục kỹ năng giải quyết vấn đề là điều bắt buộc. Đối với những ở vị trí lãnh đạo, kỹ năng này cho phép chúng ta nhìn nhận những thách thức dưới góc độ là những cơ hội để doanh nghiệp hay đội nhóm có thể phát triển. Việc thành thạo kỹ năng giải quyết vấn đề cũng giúp tăng hiệu suất công việc, rút ngắn thời gian xử lý và đem lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo còn có trách nhiệm rèn giũa kỹ năng này cho nhân viên của mình, và trao quyền giải quyết vấn đề cho cấp dưới của mình (tin mình đi, tới lúc đó, lãnh đạo không có đủ thời gian để giải quyết hết mọi thứ, nên phải vậy thôi)5. Việc này sẽ giúp các cá nhân trong đội nhóm tập luyện không chỉ kỹ năng giải quyết vấn đề, mà còn có tư duy sáng tạo, tư duy đột phá. Lemon’s Tribe còn nhớ khi bản thân lần đầu đi làm, lúc đó mình đang là Management Trainee cho một công ty Tài chính, bài học đầu tiên mà sếp mình (một Director – Giám đốc) yêu cầu cả nhóm phải học và trả bài chính là Problem Solving. Vì sao sếp mình lại bắt tụi mình làm vậy á? Đơn giản là bởi vì giải quyết vấn đề là nền móng cho sự phát triển sau này của tụi mình. Đó là kỹ năng mà cho dù chúng ta làm bất kỳ công việc, lĩnh vực hay vị trí nào cũng cần sử dụng. Việc tụi mình có khả năng giải quyết vấn đề tốt sẽ không chỉ giúp cho sếp đỡ nặng gánh, mà còn giúp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi tự bạn xử lý được những vấn đề từ nhỏ, rồi dần phức tạp lên, bạn cũng sẽ càng ngày càng có lòng tin vào bản thân mình hơn. Và khi bạn có sự tự tin thì trong công việc, bạn cũng sẽ có cảm giác vui vẻ, thoải mái hơn, và gắn kết hơn với công ty, cũng như lãnh đạo. Kết quả là “happy employees, happy company” (nhân viên vui thì công ty cũng vui, đại ý là vậy).
Các bước cơ bản để giải quyết vấn đề
Để giải quyết vấn đề, bạn có thể áp dụng các bước cơ bản dễ nhớ theo mô hình IDEAL, được phát triển bởi Giáo sư Tâm lý học John D. Bransford và Barry S. Stein vào năm 19846. Các bước trong IDEAL bao gồm:
- Identify problems and opportuninies – Xác định vấn đề và cơ hội: Làm rõ bản chất vấn đề, xác định các yếu tố liên quan, lý do cốt lõi, và cơ hội nào có thể được phát triển nếu giải quyết được vấn đề này
- Define alternative goals – Xác định các mục tiêu cần đạt được: Câu hỏi đặt ra ở bước này là giải quyết vấn đề này để làm gì, chúng ta sẽ có được cái gì khi làm điều này.
- Explore possible strategies – Khám phá các chiến lược khả dụng để giải quyết vấn đề: Quá trình này sẽ đòi hỏi bạn phải thu thập thông tin, phân tích và đưa ra các giải pháp tiềm năng
- Anticipate and Act – Hành động theo giải pháp tốt nhất mà bạn đã lựa chọn: Triển khai kế hoạch, theo dõi tiến trình và điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo hiệu quả
- Look and learn – Nhìn lại và rút kinh nghiệm: Đúc kết bài học từ những gì đã làm, giúp bạn xử lý các vấn đề tương tự nhanh chóng hơn trong tương lai
Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề?
Giống như một cơ bắp, kỹ năng giải quyết vấn đề cần được rèn luyện thường xuyên để trở nên mạnh mẽ hơn:
- Phát triển tư duy phản biện: Luôn đặt câu hỏi và không ngừng tìm kiếm câu trả lời để kiểm tra độ chính xác của thông tin.
- Thử thách bản thân: Tham gia các trò chơi logic, giải đố, hoặc những tình huống thực tế để kích thích tư duy sáng tạo.
- Thực hành từ những vấn đề nhỏ: Bắt đầu từ những bài toán đơn giản hàng ngày để làm quen với quy trình giải quyết vấn đề.
- Quan sát và học hỏi: Để ý cách những người xung quanh xử lý vấn đề, từ đó rút ra những bài học hữu ích cho bản thân.
- Đầu tư vào học tập: Tham gia các khóa học, hội thảo hoặc đọc sách chuyên sâu để trau dồi kiến thức và kỹ năng.
Rèn luyện giải quyết vấn đề không chỉ giúp bạn linh hoạt hơn trong mọi tình huống mà còn mở ra cánh cửa để bạn khẳng định bản thân trong mọi lĩnh vực.
Tạm kết
Giải quyết vấn đề là một kỹ năng không ai sinh ra đã hoàn hảo, nhưng ai cũng có thể rèn luyện. Điều quan trọng không phải là vấn đề lớn hay nhỏ, mà là cách bạn đối diện và xử lý nó. Ở bài viết kỳ sau, Lemon’s Tribe sẽ đi qua các mô hình và phương pháp giải quyết vấn đề mà bạn có thể vận dụng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Hy vọng có thể hỗ trợ các bạn làm việc hiệu suất và chuyên nghiệp hơn.
Nguồn tham khảo
- https://ccmit.mit.edu/problem-solving/ ↩︎
- https://amaniinstitute.org/problem-solving-a-leaders-key-to-team-performance-and-organizational-growth/ ↩︎
- https://www.coursera.org/articles/problem-solving-skills ↩︎
- https://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs_2023.pdf ↩︎
- https://online.hbs.edu/blog/post/problem-solving-in-business ↩︎
- https://www.tntech.edu/cat/pdf/useful_links/idealproblemsolver.pdf ↩︎
One thought on “Problem Solving – Giải quyết vấn đề và nhiều hơn thế nữa (Kỳ 1)”